Đề thi thử - Kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ Văn

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

2/10/1971

Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá( ). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!.Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấy Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy.

 

doc 8 trang Người đăng trung218 Lượt xem 12509Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử - Kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD & ĐT NINH BÌNH
TRƯỜNG THPT GIA VIỄN A
ĐỀ THI THỬ- KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 180 phút)
Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
2/10/1971
Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá(). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mìnhMình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!...Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấyLên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy.
( Trích Mãi mãi tuổi hai mươi- Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên, 2005).
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trích? (0,25 điểm)
Nội dung cơ bản của đoạn trích trên là gì? (0,5 điểm)
Chỉ ra các câu cảm thán trong đoạn trích trên? Phân tích cảm xúc của người viết ở câu: “Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! ” (0,75 điểm)
Anh/chị hiểu như thế nào về nỗi lòng tác giả cuốn nhật kí qua thủ pháp so sánh “ Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy”? (0,5 điểm)
Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nghĩ của mình về chủ nhân của đoạn nhật kí trên và thế hệ thanh niên thời chống Mĩ.(1,0 điểm)
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3 điểm)
`Trong cuộc sống, đừng tham vọng nhưng phải có khát vọng.
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Phân tích cảm nhận về đất nước, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước ở đoạn thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta
hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước
là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân
Cho dáng hình xứ xở
Làm nên đất nước muôn đời....
( Trích Đất Nước- trường ca Mặt đường khát vọng ; Dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2014)
----------------------Hết--------------------
SỞ GD & ĐT NINH BÌNH
TRƯỜNG THPT GIA VIỄN A
ĐÁP ÁN- THANG ĐIỂM
ĐỀ THI THỬ- KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: Ngữ Văn
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trích là phương thức biểu cảm/biểu cảm
- Điểm (0,25 đ): Trả lời một trong các cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2. Nội dung cơ bản của đoạn trích: Là một đoạn nhật kí, trong đó anh Nguyễn Văn Thạc đã bộc bạch chân thành cảm nghĩ, cảm xúc của mình trong những ngày đầu tạm biệt giảng đường Đại học bước vào quân ngũ. (có thể diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí, thuyết phục)
Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ ý ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
Điểm 0,25: Trả lời chưa đủ ý; trả lời chung chung, chưa rõ ý.
Điểm 0: Trả lời sai hoặc không có câu trả lời
Câu 3. Chỉ ra các câu cảm thán trong đoạn trích : “Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá”. “Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!”
Điểm 0,25: Nêu được đúng đầy đủ, hoặc ít nhất một câu cảm thán.
Điểm 0: Nêu sai, hoặc không nêu được câu nào.
Cảm xúc của người viết ở câu cảm thán thứ hai:Ở thời điểm bước ngoặt của cuộc đời, người lính trẻ bỗng có những cảm nhận sâu sắc thấm thía hồn thiêng của đất nước trong bài Quốc ca mà mình đã nghe, đã hát nhiều lần. Hai lần khẳng định “của ta” càng chứng tỏ niềm tự hào và lòng xúc động sâu sắc. “Ta” ở đây là đất nước là dân tộc nhưng cũng là cá nhân mình. Ý thức nghĩa vụ và lòng yêu nước hòa quyện máu thịt trong tâm hồn người lính trẻ.
Điểm 0,5: Hiểu và phân tích tương đối chính xác cảm xúc của người viết thể hiện ở câu cảm thán.
Điểm 0,25: Phân tích chưa đủ, ý còn chung chung chưa rõ.
Điểm 0: Phân tích không đúng hoặc không có câu trả lời.
Câu 4: Nỗi lòng tác giả cuốn nhật kí qua thủ pháp so sánh “ Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy”
Phép so sánh đã làm rõ được tâm trạng rạo rực, hồi hộp, náo nức ở thời điểm đặc biệt của cuộc đời người lính trẻ. Đặc biệt qua thủ pháp so sánh cũng bộc lộ được lòng yêu nước, tự hào dân tộc của người lính.
Điểm 0.5: Phân tích và làm rõ được nỗi lòng của người lính qua thủ pháp so sánh ( Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng cần hợp lí)
Điểm 0,25: Phân tích còn chung chung, sơ sài.
Điểm 0: Phân tích sai hoặc không có câu trả lời.
Câu 5: Cảm nghĩ về chủ nhân của cuốn nhật kí và thế hệ thanh niên thời chống Mĩ:
Cảm nghĩ của mỗi người có thể không hoàn toàn giống nhau nhưng tinh thần cơ bản của ý này là: Chủ nhân của cuốn nhật kí- anh Nguyễn Văn Thạc- là một thanh niên trí thức có tâm hồn đa cảm mà trong sáng, giầu lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm về vị trí sứ mệnh của thế hệ mình. Thế hệ thanh niên thời đại chống Mĩ nói chung là thế hệ người Việt Nam yêu nước, bên cạnh những tình cảm riêng họ đã có một tình cảm chung đó là tình đất nước, tình dân tộc, sẫn sàng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Thanh niên thế hệ ngày nay cần bày tỏ lòng quyết tâm tiếp bước cha anh trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Điểm 1,0: Trình bày những cảm nhận đúng đắn, sâu sắc của bản thân, diễn đạt khá tốt
Điểm 0,5: Trình bày được cơ bản cảm nghĩ của bản thân, diễn đạt khá.
Điểm 0,25: Trình bày còn chung chung, sơ sài, diễn đạt vụng.
Điểm 0: Không trình bày được ý nào, hoặc không có câu trả lời.
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lõi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a/ Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí, nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên, phần thân bài chỉ có một đoạn văn
Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài là một đoạn văn.
b/ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tham vọng và khát vọng trong cuộc sống .
Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận, nêu vấn đề chung chung.
Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c/ Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm ( Trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. ( 1,0 điểm)
Có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giải thích ý kiến để thấy được:
- Tham vọng là ham muốn đạt được một điều gì to lớn, vượt xa tình hình thực tại và năng lực bản thân. Nó xuất phát từ lòng tham lam, sự hiếu thắng và vị kỉ. Người mang tham vọng thường chỉ mong muốn được lợi cho bản thân mà không quan tâm đến lợi ích của người khác, thậm chí có thể bất chấp pháp luật, đạo lí, chà đạp lên đạo đức, tình người chỉ để đạt bằng được mục đích của mình.
- Khát vọng là mong muốn những điều tốt đẹp, lớn lao cho bản thân mình và cho mọi người. Nó gắn với sự thôi thúc mạnh mẽ trong tinh thần, với ý chí phấn đấu và ao ước dâng hiến. Người mang khát vọng là người ý thức được hoàn cảnh, tự hiểu được năng lực của bản thân, sống và hành động với niềm tin, niềm lạc quan trong sáng mãnh liệt.
+ Phân tích, bàn luận về ý kiến.
Trong cuộc sống đừng nên tham vọng:
 Khi tham vọng, con người ta không còn ý thức đúng đắn về bản thân mình, không còn tỉnh táo để cân nhắc lợi hại cho mọi người, với bản thân. Nếu quá ráo riết theo đuổi tham vọng, con người sẽ trở nên mù quáng, sẽ gây hại cho mọi người, cho xã hội còn tự mình sẽ nhận lấy nhiều hậu quả khôn lường.
Khi tham vọng, con người ta quên đi những tình cảm bình thường, dễ trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn. Vì theo đuổi tham vọng con người cũng dẽ trở nên cay cú, hận thù, tâm hồn mất đi sự an bằng, thanh thản. Hiển nhiên đó không phải là hạnh phúc.
Trong cuộc sống, cần phải có khát vọng:
Có khát vọng con người mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống, mới thực sự thấm thía hạnh phúc của việc làm người. Khát vọng chân chính đem đến cho con người niềm vui sống, động lực sống
Khát vọng kích thích con người ta phát huy tận độ trí tuệ năng lực của mình để đóng góp những điều có ích cho cộng đồng cho xã hội.
Nếu không nuôi khát vọng, không mang một niềm tin mãnh liệt váo tương lai, con người không có ý chí, sức mạnh để chiến thắng những trở ngại, thử thách. Hoài bão đem đến cho con người ta sự tự tin, niềm tự hào chính đáng.
+Bài học nhận thức:
Trong cuộc sống , mỗi con người vừa phải tỉnh táo lại vừa phải biết ước mơ. Nhưng đừng biến những ước mơ cao đẹp thành tham vọng, dục vọng thấp hèn. Luôn phải biết tiết chế điều chỉnh bản thân và đặc biệt luôn phải nuôi dưỡng, ấp ủ những khát vọng cao cả chính đáng và không ngừng nỗ lực để đạt được những khát vọng đó.
Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên.
Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
Điểm 0,5: Đáp ứng khoảng ½ đến 2/3 yêu cầu trên.
Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
Điểm 0: Không đáp ứng được bất cứ yêu cầu naoftrong các yêu cầu trên.
d/ Sáng tạo: (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Có cách diễn đạt độc đáo sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ hình ảnh và các yếu tố biểu cảm); thể hiện quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e/ Chính tả, dùng từ, đặt câu: (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Lưu ý: Giáo viên cần kết hợp linh hoạt các tiêu chí về nội dung và hình thức để đánh giá chính xác bài làm của học sinh.
Câu 2. (4,0 điểm)
*Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
*Yêu cầu cụ thể:
a/ Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần mở bài biết diễn đạt hợp lí và nêu được vấn đề nghị luận. Phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ các yêu cầu trên; Phần Thân bài chỉ có một đoạn văn.
Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có một đoạn văn.
b/ Xác định vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
	Cách cảm nhận về đất nước và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước ở đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c/ Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp (2,0 điểm):
	Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí; có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó có các thao tác phân tích, so sánh, chứng minh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
Có thể trình bày theo định hướng sau:
*Giới thiệu chung về tác giả tác phẩm và đoạn thơ phân tích ( trường ca Mặt đường khát vọng, chương thơ Đất Nước và đoạn thơ phân tích):
Với tính chất trữ tình- chính luận, qua hình thức tâm tình, luận bàn với “em”, chương thơ Đất Nước khám phá cảm nhận về đối tượng đất nước theo một trình tự khá mạch lạc. Nguyễn Khoa Điềm lần lượt trả lời ba câu hỏi lớn: Đất Nước có tự bao giờ? Đất nước là gì (Ở đâu?) Ai làm nên Đất Nước?. Khi trả lời câu hỏi Đất Nước ở đâu?, nhà thơ đã trình bày quá trình khám, cảm nhận ngày càng sâu sắc. Ban đầu, Đất Nước là những gì gần gũi ở xung quanh ta, ở ngoài ta. Về sau, Nguyễn Khoa Điềm khẳng định Đất Nước có ở trong ta, Đất Nước có trong mỗi người, từ đó đi đến nhắc nhở một cách tự nhiên, thấm thía về trách nhiệm trước vận mệnh của Đất Nước.
* Phân tích khám phá, cảm nhận về Đất Nước ở chín dòng thơ đầu..
- Đất Nước có trong anh và em, có trong mỗi con người đang sống hôm nay.
- Đất Nước ngày càng vẹn tròn, to lớn trên bình diện không gian, qua liên kết cộng đồng.( chú ý nội dung tâm tình được diễn đạt theo lối tăng cấp của nhà thơ: Trong anh và em- “Hai đứa” cầm tay thành “chúng ta”cầm tay mọi người (3 cấp độ). Ở mỗi cấp độ, nhà thơ sử dụng những từ ngữ thích hợp, giàu tính biểu cảm (hài hòa nồng thắm, vẹn tròn, to lớn)
- Đất Nước ngày càng đẹp giàu theo chiều dài thời gian. Những thế hệ sau (con ta) sẽ tiếp đưa Đất Nước đến bến bờ mới (tháng ngày mơ mộng)> Cảm hứng lạc quan tin vào tương lai của Đất Nước.
* Phân tích ý thức trách nhiệm trước vận mệnh Đất Nước trong lời nhắc nhở ở bốn dòng thơ sau:
- Nhận thức sâu sắc, cảm nhận gắn bó một cách máu thịt về Đất Nước “Đất Nước là máu xương của mình”
- Có ý thức hòa nhập, có tinh thần dâng hiến qua các từ gắn bó, san sẻ, hóa thân
- Có nhân sinh quan cách mạng của con người thời đại mới cùng với ý thức tiếp nối truyền thống của cha ông để “làm nên Đất Nước muôn đời”
- Trách nhiệm trước vận mệnh Đất Nước được gợi nhắc bằng giọng điệu đặc sắc: sự kết hợp giữa giọng điệu yêu cầu trang trọng, mệnh lệnh dứt khoát (hai lần Phải biết) với giọng điệu tâm tình ngọt ngào (Em ơi em.của mình).
- Lời yêu cầu, nhắc nhở với em cũng là lời tự nhắc nhở cho chính mình nên càng thấm thía, tạo mối đồng cảm sâu rộng ( trong đại từ mình có em và có cả chính anh).
*Kết luận chung:
- Đoạn thơ có nội dung nhận thức, cảm xúc sâu sắc mới mẻ trước một đối tượng tưởng chừng rất quen thuộc.
- Cách tâm tình, luận bàn (ngôn ngữ, giọng điệu) khiến đoạn thơ càng có sức lay động tâm hồn, nhận thức bạn đọc.
- Đoạn thơ nói riêng, trường ca Mặt đường khát vọng nói chung có sức lay động lớn lao đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại chống đế quốc Mĩ xâm lược. Trong bối cảnh hiện nay, đoạn thơ càng có ý nghĩa và còn có giá trị lâu dài với bạn đọc.
- Điểm 2,0: Đáp ứng các yêu cầu trên.
- Điểm 1,5-1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,0-1,25: Đáp ứng được ½ đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5- 0,75: Đáp ứng 1/3 yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất cứ yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d/ Sáng tạo (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Có cách diễn đạt độc đáo sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ hình ảnh và các yếu tố biểu cảm); văn viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e/ Chính tả, dùng từ, đặt câu: (0,5 điểm)
Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_MINH_HOA.doc