Giáo án Lịch sử 10 - Bài 22: Tình hình kinh tế ở các thế kỉ XVI - XVIII

A. Mục tiêu bài học

I. Về kiến thức

- Đất nước có nhiều biến động lớn, nhưng tình hình kinh tế có nhiều biểu hiện phát triển.

- Lãnh thổ Đàng Trong mở rộng, tạo nên một vựa thóc lớn, góp phần quan trọng ổn định tình hình xã hội.

- Kinh tế hàng hóa, do nhiều tác nhân khác nhau, chủ quan và khách quan, đã phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phồn vinh của một số đô thị trên cả hai miền đất nước.

- Mặc dù vào nửa sau thế kỉ XVIII, nền kinh tế của cả Đàng Trong và Đàng Ngoài suy thoái nhưng sự phát triển của nó, đặc biệt là của kinh tế hàng hóa ở các thế kỉ trước đã ảnh hưởng đến xã hội về nhiều mặt.

 

docx 7 trang Người đăng trung218 Lượt xem 12521Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Lịch sử 10 - Bài 22: Tình hình kinh tế ở các thế kỉ XVI - XVIII", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 22:
TÌNH HÌNH KINH TẾ Ở CÁC THẾ KỈ XVI-XVIII
Mục tiêu bài học
Về kiến thức
Đất nước có nhiều biến động lớn, nhưng tình hình kinh tế có nhiều biểu hiện phát triển.
Lãnh thổ Đàng Trong mở rộng, tạo nên một vựa thóc lớn, góp phần quan trọng ổn định tình hình xã hội.
Kinh tế hàng hóa, do nhiều tác nhân khác nhau, chủ quan và khách quan, đã phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phồn vinh của một số đô thị trên cả hai miền đất nước.
Mặc dù vào nửa sau thế kỉ XVIII, nền kinh tế của cả Đàng Trong và Đàng Ngoài suy thoái nhưng sự phát triển của nó, đặc biệt là của kinh tế hàng hóa ở các thế kỉ trước đã ảnh hưởng đến xã hội về nhiều mặt.
Về thái độ, tư tưởng, tình cảm
Giáo dục ý thức tính hai mặt của kinh tế thị trường, từ đó biết định hướng về tác động tích cực.
Bồi dưỡng thêm nhận thức về những hạn chế của tư tưởng phong kiến.
Về kĩ năng
Rèn luyện kĩ năng phân tích các mặt tích cực và tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế.
Rèn luyện kĩ năng liên hệ thực tế.
Thiết bị, tài liệu dạy học
Tranh ảnh, bản đồ Việt Nam có địa danh và vị trí các đô thị.
Một số nhận xét của thương nhân nước ngoài về kinh tế Việt Nam, về các đô thị Việt Nam.
Tiến trình tổ chức hoạt động dạy-học (45 phút)
Ổn định lớp (1 phút): Nắm sĩ số lớp học.
Kiểm tra bài cũ (5 phút)
Câu hỏi:
Nhà Mạc được thành lập trong hoàn cảnh nào? Sau khi nhà mạc lên cầm quyền đã thi hành các chính sách gì? Trong thời gian cầm quyền nhà Mạc gặp khó khăn gì?
Nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều và cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn là gì?
Giảng bài mới (39 phút)
Dẫn nhập vào bài mới (1 phút)
Từ thế kỉ XVI, đất nước có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau nên nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Để hiểu được ở các thế kỉ XVI-XVIII, kinh tế nước ta phát triển như thế nào? Nguyên nhân nào dẫn tới sự phát triển đó, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu bài 22: TÌNH HÌNH KINH TẾ Ở CÁC THẾ KỈ XVI-XVIII.
Tiến trình tổ chức hoạt động dạy-học (36 phút)
Thời gian
Hoạt động của giáo viên và học sinh
Kiến thức cơ bản
7ph
Hoạt động 1: Cá nhân, cả lớp
Giáo viên khái quát tình hình nông nghiệp ở nước ta từ cuối thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII.
Giáo viên hỏi: Em hãy nêu những biểu hiện của sự phát triển nông nghiệp trong giai đoạn từ nửa sau thế kỉ XVII.
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên nhấn mạnh sự phát triển nông nghiệp ở Đàng Trong: đặc biệt ở đất Nam Bộ, do đất đai, thời tiết thuận lợi, nhân dân đã sản xuất được nhiều thóc gạo phục vụ thị trường, nâng cao đời sống. 
Giáo viên hỏi: Vì sao nông nghiệp ở Đàng Trong phát triển hơn nông nghiệp Đàng Ngoài?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên nhận xét, chốt ý: Do lãnh thổ ngày càng mở rộng vào Nam, dân cư ít, điều kiện sản xuất thuận lợi. Trong khi đó, Đàng Ngoài là một vùng đất lâu đời, đã được khai phá triệt để. Nông nghiệp ổn định, chậm và ít có điều kiện mở rộng và phát triển. Nhà nước lại không có các biện pháp khuyến khích. Vì vậy, nông nghiệp ở Đàng Trong phát triển hơn Đàng Ngoài.
Giáo viên hỏi: Hạn chế của sự phát triển nông nghiệp giai đoạn này là gì?
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý: Giai đoạn này cũng là giai đoạn tập trung ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ phong kiến. Đó là hạn chế lớn của sản xuất nông nghiệp thời kì này.
1. Tình hình nông nghiệp ở các thế kỉ XVI-XVIII
Từ cuối thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI: nông nghiệp sa sút, mất mùa, đói kém xảy ra liên miên.
Từ nửa sau thế kỉ XVII, nông nghiệp dần ổn định.
+ Ruộng đất ở cả hai Đàng mở rộng, nhất là Đàng Trong.
+ Thủy lợi được củng cố.
+ Giống cây trồng ngày càng phong phú.
+ Kinh nghiệm sản xuất được đúc kết.
Ruộng đất ngày càng tập trung trong tay địa chủ phong kiến.
8ph
Hoạt động 2: Cá nhân, cả lớp
Giáo viên dẫn dắt: Hoàn cảnh mới của đất nước đã làm tăng thêm nhu cầu hàng hóa thủ công. Do vậy mà thủ công nghiệp thời kì này khá phát triển.
Giáo viên hỏi: Em hãy nêu những biểu hiện của sự phát triển thủ công nghiệp đương thời.
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Để minh họa cho sự phát triển của nghề làm đồ gốm thời kì này, giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình 44: Cặp chân đèn gốm hoa lam đầu thế kỉ XVII, sau đó giới thiệu đôi nét về gốm hoa lam.
Giáo viên hỏi: Em hãy kể tên một số làng nghề thủ công nổi tiếng mà em biết.
Học sinh trả lời.
Giáo viên nhận xét, bổ sung.
Giáo viên giảng tiếp về ngành khai mỏ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. 
Giáo viên hỏi: Kinh doanh thủ công nghiệp thời kì này có nét gì mới?
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý: Ở các làng nghề thủ công, một số thợ giỏi đã họp nhau rời làng ra các đô thị, lập phường hội vừa sản xuất, vừa bán hàng. Đây chính là nét mới trong kinh doanh thủ công nghiệp thời kì này.
Giáo viên giải thích khái niệm “phường hội”. Giáo viên hỏi: Em có nhận xét gì về sự phát triển của thủ công nghiệp đương thời?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên chốt ý: Thủ công nghiệp trong thế kỉ XVI-XVIII phát triển mạnh mẽ, ngành nghề phong phú, nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trao đổi trong và ngoài nước.Thúc đẩy kinh tế hàng hóa đương thời phát triển.
2. Sự phát triển của thủ công nghiệp
Nghề thủ công truyền thống (dệt, làm đồ gốm, sứ) tiếp tục phát triển và đạt trình độ cao.
Một số nghề mới xuất hiện: khắc in bản gỗ, làm đường trắng, làm đồng hồ, àm tranh sơn mài.
Các làng nghề xuất hiện ngày càng nhiều.
Ngành khai mỏ phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Ở các đô thị, thợ thủ công đã lập phường hội.
12ph
Hoạt động 3: Cá nhân, cả lớp
Giáo viên dẫn dắt: Sự phát triển của các ngành thủ công đã tạo ra số lượng sản phẩm lớn, phong phú, đa dạng. Chính vì vậy đã thúc đẩy việc buôn bán trao đổi hàng hóa với các nước. Thương nghiệp phát triển mạnh mẽ ở cả hai Đàng, bao gồm cả nội thương lẫn ngoại thương.
Giáo viên hỏi: Em hãy cho biết tình hình nội thương ở nước ta trong các thế kỉ XVI-XVIII.
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên hỏi: Nguyên nhân nào thúc đẩy nội thương phát triển?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên hỏi: Em hãy nêu tình hình ngoại thương nước ta trong các thế kỉ XVI-XVIII.
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình 45: Thương cảng Hội An (tranh vẽ cuối thế kỉ XVIII), hỏi: Quan sát hình này em có nhận xét gì về thương cảng Hội An?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên chốt ý: Hội An là một thành phố cảng quan trọng ở Đàng Trong. Trong bức ảnh này, có rất nhiều loại thuyền buôn ngoại quốc với những cánh buồm hình tam giác nhiều lớp của Địa Trung Hải, những cánh buồm tứ giác, hình thang của người Việt Qua đó ta có thể thấy được sự tấp nập, sầm uất của thương cảng Hội An thời kì này.
Giáo viên giảng tiếp: Nhiều thương nhân nước ngoài như Hà Lan, Nhật Bản, Trung Hoa, Anh, Pháp đã xin lập phố xá và cửa hàng để buôn bán lâu dài hay còn gọi là các thương điếm như thương điếm của công ti Đông Ấn Hà Lan ở Phố Hiến, khu phố Nhật ở Hội An
Giáo viên hỏi: Nguyên nhân nào thúc đẩy ngoại thương phát triển?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên hỏi: Theo em, sự phát triển của ngoại thương có tác dụng gì đối với nền kinh tế nước ta?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên chốt ý: Ngoại thương phát triển đã tạo điều kiện cho sự khởi sắc của nền kinh tế hàng hóa. Tạo điều kiện cho đất nước tiếp cận với nền kinh tế thế giới với phương thức sản xuất mới thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Giáo viên giảng tiếp: Ngoại thương phát triển rầm rộ lên trong một thời gian, nhưng đến giữa thế kỉ XVIII thì suy yếu dần.
Giáo viên hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến sự suy thoái của nền ngoại thương?
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên hỏi: Vì sao càng về các thế kỉ sau, nhà nước lại càng hạn chế ngoại thương?
Giáo viên yêu cầu học sinh về nhà tìm hiểu, tiết học sau trả lời.
3. Sự phát triển của thương nghiệp
Thương nghiệp phát triển mạnh ở cả hai Đàng.
a) Nội thương
Ở các thế kỉ XVI-XVIII, buôn bán trong nước ngày càng phát triển.
Biểu hiện: 
+ Chợ làng, chợ phủ, chợ huyện mọc lên khắp nơi.
+ Một số làng buôn và trung tâm buôn bán xuất hiện.
+ Việc trao đổi buôn bán giữa các vùng được đẩy mạnh.
+ Buôn bán lớn (buôn chuyến bằng thuyền) xuất hiện nhưng chưa phát triển.
b) Ngoại thương
Trong các thế kỉ XVI-XVIII, ngoại thương phát triển mạnh.
Biểu hiện:
+ Nhiều nước đến buôn bán với nước ta (thương nhân châu Á, châu Âu).
+ Các mặt hàng buôn bán phong phú:
Họ mua tơ lụa, đồ gốm
Họ bán vũ khí, len dạ, đồ sứ
9ph
Hoạt động 4: Cá nhân, cả lớp
Giáo viên dẫn dắt: Sự phát triển của sản xuất trong nước đã khiến cho hoạt động giao lưu buôn bán với các nước láng giềng và các nước phương Tây được diễn ra mạnh mẽ. Do đó đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước và sự ra đời, hưng khởi của các đô thị.
Giáo viên giảng tiếp: Một số tụ điểm buôn bán có tính chất địa phương đã hình thành như Đồng Đăng, Kỳ Lừa (Lạng Sơn), Vân Đồn (Quảng Ninh) Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các đô thị lớn.
Giáo viên hỏi: Em hãy kể tên các đô thị của nước ta được hình thành trong các thế kỉ XVI-XVIII.
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý và trình bày về sự hưng khởi của các đô thị thế kỉ XVI-XVIII.
Giáo viên trình bày tiếp về sự ra đời của các đô thị lớn ở Đàng Trong.
Giáo viên cho học sinh quan sát lược đồ Việt Nam có vị trí của các đô thị, hỏi: Quan sát lược đồ trên, em có nhận xét gì về vị trí địa lí của các đô thị?
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý: Các đô thị tập trung ở khu vực đông dân cư, nhiều đô thị được hình thành ở gần biển, thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán như Thanh Hà, Hội An. Do lúc này, vùng đất Nam Bộ mới được khai phá, dân cư còn thưa thớt, chưa có điều kiện phát triển kinh tế cũng như ngoại thương nên các đô thị lớn chưa được hình thành ở vùng đất này.
Giáo viên hỏi: Sự hưng khởi của các đô thị có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế nước ta?
Học sinh suy nghĩ, trả lời.
Giáo viên chốt ý.
Giáo viên hỏi: Nguyên nhân nào dẫn tới sự suy tàn của các đô thị?
Học sinh trả lời.
Giáo viên chốt ý.
4. Sự hưng khởi của các đô thị
Trong các thế kỉ XVI-XVIII, nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển hưng thịnh.
Thăng Long là đô thị lớn của cả nước.
Những đô thị mới như Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà trở thành nơi buôn bán sầm uất.
Từ đầu thế kỉ XIX, các đô thị suy tàn dần (trừ Thăng Long).
Củng cố kiến thức, dặn dò học sinh (2 phút)
Củng cố: Ở các thế kỉ XVI-XVIII, nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mới, phồn thịnh:
Thủ công nghiệp ngày càng tăng tiến nhưng không có điều kiện chuyển hóa sang phương thức sản xuất mới.
Sự phát triển của ngoại thương, đô thị đã đưa nước ta tiếp cận với nền kinh tế thế giới.
Do hạn chế của chế độ phong kiến, của giai cấp thống trị, đến cuối thế kỉ XVIII, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp.
Dặn dò
Học bài cũ, chuẩn bị bài 23.
Sưu tầm hình ảnh, tiểu sử Quang Trung, thơ ca của người đương thời nói về Quang Trung.
Rút kinh nghiệm
Thời gian dành cho toàn bài và từng hoạt động: 	
Nội dung: 	
Phương pháp: 	
Sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học: 	

Tài liệu đính kèm:

  • docxBai_22_Tinh_hinh_kinh_te_o_cac_the_ky_XVIXVIII.docx