Ôn thi vào THPT môn: Ngữ văn 9

 A- Mục tiêu cần đạt

1. Kiến thức: Giúp HS: Nắm được ch¬ương trình ôn thi môn Ngữ văn lớp 9 vào THPT và cấu tạo của đề thi, cách làm bài thi.

2. Kĩ năng: Rèn luyện kỹ năng phân tích đề , kĩ năng làm bài để đạt hiệu quả cao.

3. Thái độ: Học tập nghiêm túc, làm bài trung thực trong thi cử.

 B- Chuẩn bị

 -GV: chương trình ôn thi vào THPT, một số đề thi các năm gần đây của tỉnh

 -HS: Sưu tầm các dạng đề thi, tập phân tích đề, tìm ra hướng giải quyết.

 C- Tổ chức các hoạt động dạy học

 1. Ổn định tổ chức

9A: 9B:

 2. Kiểm tra: Đọc thuộc lòng 1 bài thơ, tóm tắt 1 câu chuyện và nêu ND-NT?

 

doc 196 trang Người đăng trung218 Lượt xem 1650Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Ôn thi vào THPT môn: Ngữ văn 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
——HẾT—————
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
Họ và tên thí sinh; Số báo danh
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC
——————
(Hướng dẫn chấm có 04 trang)
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM HỌC 2013–2014
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho học sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn
———————————
Câu 1 (2,0 điểm)
 Yêu cầu: 
a) Về nội dung: đoạn văn đảm bảo các ý cơ bản sau: 
 Đây là khổ cuối của bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên). Khổ thơ đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc của nhà thơ:
- Nếu hình ảnh ông đồ và hoa đào cùng xuất hiện ở khổ thơ đầu thì đến khổ thơ cuối của bài thơ hoa đào vẫn xuất hiện theo quy luật (Năm nay đào lại nở) còn ông đồ đã hoàn toàn vắng bóng (Không thấy ông đồ xưa). Đằng sau hai câu thơ là nỗi niềm bâng khuâng, tiếc nuối của nhà thơ.
- Câu hỏi tu từ thể hiện niềm trắc ẩn xót thương của nhà thơ đối với những người như ông đồ (thế hệ những nhà nho – biểu tượng của nền Nho học) đã bị thời thế khước từ. 
=> Khổ thơ kết đọng cảm xúc của toàn bài – nỗi thương cảm hoài niệm, nuối tiếc cảnh cũ người xưa, là lòng thương người và tình hoài cổ (Hoài Thanh) của thi nhân đối với thế hệ những nhà nho và với những nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc.
b) Về hình thức
- Viết thành đoạn văn.
- Trong đoạn văn có sử dụng phép liên kết là phép nối, phép thế (thí sinh phải chỉ rõ các phép liên kết đã sử dụng).
 Lưu ý:
- Viết không đúng hình thức đoạn văn thì cho tối đa là 0,5 điểm.
- Viết đúng hình thức đoạn văn, đảm bảo về nội dung nhưng không sử dụng đúng các phép liên kết nêu trên thì cho tối đa là 1,0 điểm.
Câu 2 (2,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song phải thể hiện rõ quan điểm, suy nghĩ của mình về ý nghĩa của 2 câu ca dao (công lao to lớn của cha mẹ đối với con cái). Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
0,25đ
Thân bài
- Giảng giải các hình ảnh so sánh: công cha được ví như núi Thái Sơn (ngọn núi cao ở Trung Quốc), nghĩa mẹ được ví như nước trong nguồn (không bao giờ vơi cạn).
0,25đ
- Ý nghĩa của câu ca dao: công lao, nghĩa tình to lớn của cha mẹ đối với con cái. Từ đó nhắc nhở mọi người sống sao cho xứng đáng với tấm lòng của cha mẹ.
0,5đ
- Những biểu hiện công lao, nghĩa tình của cha mẹ dành cho con cái. 
0,25đ
- Phê phán những biểu hiện sống vô ơn bạc nghĩa, trái với đạo hiếu của dân tộc
0,25đ
- Khẳng định đạo lý sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà câu ca dao khuyên nhủ.
0,25đ
Kết bài
Rút ra bài học nhận thức, hành động và liên hệ bản thân.
0,25đ
Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, cần phân tích được một số dẫn chứng tiêu biểu.
Câu 3 (6,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; vận dụng tốt các kĩ năng làm văn, tổng hợp kiến thức để viết bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng chính xác, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề, nắm chắc nội dung tác phẩm, tránh suy diễn tùy tiện. Bài viết phải thể hiện rõ chất thơ - tính chất trữ tình trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa. Cụ thể bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
0,5đ
Thân bài
 1. Khái quát chung
- Thơ là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt, thể hiện qua ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Khái niệm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi để chỉ tác phẩm có thiên hướng biểu hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc trước những vẻ đẹp cuộc sống, thiên nhiên, con người và có ý nghĩa khơi gợi cảm xúc trữ tình ở người đọc thông qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, giọng văn nhẹ nhàng êm ái...
- Chất thơ được biểu hiện phong phú, bàng bạc trong cả đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa nhưng chủ yếu toát lên từ thiên nhiên đẹp đầy thơ mộng của Sa Pa, thấm đượm trong vẻ đẹp cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ của anh thanh niên, từ tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ về con người, nghệ thuật, cuộc sống của người họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ...
1,0đ
 2. Biểu hiện của chất thơ trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa
a. Chất thơ trong thiên nhiên
- Cảnh đẹp Sa Pa đẹp một cách kì lạ, quyến rũ khiến con người ta ngỡ ngàng khi lần đầu tiên bắt gặp. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào...những đàn bò lang cổ...; Sa Pa của nắng ngập tràn (nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây... nắng chiếu làm cho bó hoa thêm rực rỡ...nắng đã mạ bạc cả con đèo...); Sa Pa của những rừng cây (những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng), của sương (các vòm lá ướt sương)... Sa Pa không hoang vu, lạnh lẽo mà mang nét đẹp thơ mộng, huyền ảo và rất đỗi hữu tình.
1,0đ
b. Chất thơ trong vẻ đẹp của con người 
 * Nhân vật anh thanh niên: vẻ đẹp toát lên từ những suy nghĩ, cảm xúc, việc làm, cách sống của anh: con người có tình yêu nghề, có ý thức sâu sắc về công việc của mình và ý nghĩa của công việc với cuộc sống con người, có tinh thần trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn và gian khổ của hoàn cảnh sống và làm việc (nêu dẫn chứng cụ thể); là một chàng trai với tâm hồn cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm, khát khao được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người (nêu dẫn chứng cụ thể); biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống một cách chủ động, ngăn nắp, lãng mạn (nêu dẫn chứng cụ thể); con người khiêm tốn, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của những người xung quanh (nêu dẫn chứng cụ thể). Vẻ đẹp bình dị, thầm lặng của anh thanh niên đã đem lại niềm vui bất ngờ cho mọi người và khơi gợi cho họ những nhận thức sâu sắc về lẽ sống, cuộc đời, nghệ thuật.
* Các nhân vật khác
- Người họa sĩ: con người từng trải, tâm huyết với nghệ thuật, khát khao đi tìm đối tượng của nghệ thuật, có tâm hồn nghệ sĩ giàu xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn con người và nghệ thuật (nêu dẫn chứng cụ thể).
- Cô kĩ sư: cô gái mang nhiệt huyết của tuổi trẻ, có niềm khát khao cống hiến, sẵn sàng rời thành phố đến với miền đất xa xôi khi vừa mới ra trường ; cuộc gặp gỡ với người thanh niên đã khơi dậy trong cô những tình cảm lớn lao, cao đẹp, hiểu thêm về cuộc sống tuyệt đẹp của người thanh niên, có những nhận thức sâu sắc về lẽ sống và vững tin vào con đường mình đã lựa chọn (nêu dẫn chứng cụ thể).
- Ông kĩ sư vườn rau: hàng ngày ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy phấn của ong, tự tay thụ phấn cho hoa su hào...
- Người cán bộ nghiên cứu khoa học: luôn sẵn sàng trong tư thế suốt ngày chờ sét...
=> Đó là vẻ đẹp của những con người lao động thầm lặng mà cao quý luôn vì cuộc sống, vì mọi người. 
2,5đ
* Đánh giá
- Lặng lẽ Sa Pa là đoạn trích giàu chất thơ. Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, còn có những chi tiết rất thơ, có ngôn ngữ văn xuôi trau chuốt, nhịp điệu nhẹ nhàng... khơi gợi nhiều xúc cảm cho người đọc.
- Chất thơ là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và thành công của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đặc biệt là trong đoạn trích, giúp cho chủ đề truyện được rõ nét và sâu sắc (trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước) làm nên đặc sắc văn phong và khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Thành Long.
0,5đ
Kết bài
Khái quát vấn đề nghị luận, nêu suy nghĩ của bản thân. 
0,5đ
Lưu ý: Cho điểm tối đa khi bài đảm bảo tốt cả 2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
—————
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM HỌC 2013 – 2014
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho tất cả các thí sinh
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề.
——————————
Câu 1 (2,0 điểm)
Phát hiện và sửa các lỗi trong đoạn văn sau:
Chính Hữu là nhà thơ – chiến sĩ. Thế nhưng đã khắc họa thật trân thực, sinh động hình tượng anh bộ đội cụ Hồ. Các anh phải vượt qua bao nhiêu gian nan, thiếu thốn vì vẫn gắn bó bấy nhiêu với nhau trong nghĩa tình đồng chí thiêng liêng.
Câu 2 (3,0 điểm)
Cho câu thơ:
 Vân Tiên nghe nói liền cười:
 (Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga – Trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGDVN, 2012)
a) Chép chính xác 5 câu tiếp theo câu thơ trên.
b) Viết đoạn văn ngắn (5 đến 8 câu) trình bày suy nghĩ của em về 2 câu cuối trong đoạn thơ vừa chép.
 Câu 3 (5,0 điểm)
Diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGDVN, 2012)
――――HẾT――――
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
Họ và tên thí sinh; Số báo danh
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC
————————
(Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM HỌC 2013 – 2014
 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho tất cả các thí sinh
—————————
Câu 1 (2,0 điểm)
 Phát hiện lỗi
Lỗi liên kết câu: ở câu 3, dùng từ nối vì không hợp với logic giữa hai mệnh đề của câu, phải thay bằng từ nối mà.
0,5 đ
Lỗi liên kết đoạn: ở câu thứ 2, dùng từ nối thế nhưng không hợp logic giữa câu 1 và câu 2, phải bỏ từ thế nhưng để 2 câu trên hợp logic.
0,5đ
Lỗi chính tả: trân thực, cụ Hồ, phải sửa lại là: chân thực, Cụ Hồ.
0,5đ
Lỗi ngữ pháp: câu 2 thiếu chủ ngữ, thêm chủ ngữ ông (tác giả,...) vào trước đã khắc họa
0,5đ
 Đoạn văn được sửa lại
 Chính Hữu là nhà thơ – chiến sĩ. Ông (tác giả,...) đã khắc họa thật chân thực, sinh động hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Các anh phải vượt qua bao nhiêu gian nan, thiếu thốn mà vẫn gắn bó bấy nhiêu với nhau trong nghĩa tình đồng chí thiêng liêng.
Câu 2 (3,0 điểm)
a. Chép khổ thơ
 Vân Tiên nghe nói liền cười:
 “Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
 Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
 Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
 Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
 Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Lưu ý
 - Chép đúng 5 câu: 1,0 điểm, sai 1 câu trừ 0,25 điểm; chỉ chép đúng 1 câu được 0,25 điểm.
- Sai lỗi chính tả, dấu câu : 1 – 3 lỗi trừ 0,25 điểm; 4 – 6 lỗi trừ 0,5 điểm.
1,0 đ
b. Viết đoạn văn
- Kiến nghĩa bất vi: thấy việc nghĩa không làm. 
 Phi anh hùng: không phải anh hùng. 
- Hai câu thơ nêu lên một quan niệm sống của người quân tử trong xã hội phong kiến xưa: thấy việc nghĩa (chống lại cái ác, cái xấu, bênh vực, chở che người bị áp bức, bị hại) mà không làm thì con người như thế không phải là người anh hùng. 
=> Khẳng định về một lẽ sống cao đẹp: đề cao tinh thần nghĩa hiệp, hành động hướng tới nhân dân, coi việc nghĩa ở đời là trách nhiệm cao cả thiêng liêng, là lý tưởng sống của người quân tử mà Lục Vân Tiên là hình tượng tiêu biểu. 
Lưu ý:
 - Thí sinh có thể diễn đạt theo cách khác nhưng đúng tinh thần thì vẫn cho điểm tối đa.
 - Viết không đúng hình thức đoạn văn thì cho tối đa là 0,5 điểm.
2,0 đ
Câu 3 (5,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng chính xác, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo. 
* Yêu cầu về kiến thức
Bài viết làm nổi bật diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. 
Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
0,5đ
Thân bài
 1. Hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng: sau khi bị thất thân bởi Mã Giám Sinh, bị Tú Bà làm nhục, Kiều tự vẫn nhưng không thành. Tú Bà đã đưa Kiều ra sống một mình ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng Kiều, rắp tâm chuẩn bị một âm mưu mới.
0,5đ
2. Diễn biến tâm trạng của Kiều:
 - Tâm trạng cô đơn, bẽ bàng, tủi nhục của Kiều trước không gian lầu Ngưng Bích (phân tích 6 câu đầu). Những hình ảnh không gian (lầu Ngưng Bích, non xa, trăng gần, bốn bề bát ngát, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia) mênh mông, hoang vắng, mịt mờ; hình ảnh thời gian (mây sớm đèn khuya) dằng dặc đã tô đậm tâm trạng ấy.
0,5đ
 - Tâm trạng thương nhớ người thân:
 + Nàng nhớ đến Kim Trọng: nhớ người tình là nhớ đến tình yêu nên bao giờ Kiều cũng nhớ tới lời thề đôi lứa (tưởng người dưới nguyệt chén đồng). Nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình, ngày đêm đau đáu chờ tin mà uổng công vô ích (tin sương luống những rày trông mai chờ). Nàng nhớ về Kim Trọng với tâm trạng đau đớn, tiếc nuối. Câu thơ tấm son gột rửa bao giờ cho phai có hai cách hiểu: tấm son là tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên hoặc tấm lòng son trong trắng của Kiều bị dập vùi hoen ố, biết bao giờ gột rửa được. Đó là tấm lòng thủy chung son sắc của nàng.
0,5đ
+ Nàng nhớ đến cha mẹ: Kiều nhớ đến cha mẹ với nỗi xót thương vô hạn. Các thành ngữ quạt nồng ấp lạnh, tựa cửa hôm mai, cách mấy nắng mưa, các điển cố sân Lai, gốc tử đã diễn tả sâu sắc nỗi nhớ thương cha mẹ, xót xa vì không trọn đạo làm con của Kiều. Đó là tấm lòng hiếu thảo, đức vị tha rất đáng trân trọng của nhân vật.
0,5đ
+ Nguyễn Du đã để Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau. Điều này không phù hợp với trật tự lễ giáo phong kiến nhưng lại rất hợp logic tâm trạng (Đối với cha mẹ, trong cơn gia biến, Kiều đã quyết định chọn bên hiếu, bán mình chuộc cha. Còn đối với Kim Trọng, Kiều vẫn tự xem mình là kẻ phụ bạc. Cho nên trong nỗi nhớ người thân, nàng dành nỗi nhớ đầu tiên cho Kim Trọng). Sự đảo lộn trật tự đó cho thấy sự cảm thông sâu sắc của tấm lòng thấu suốt nghìn đời, sự tinh tế của ngòi bút tâm lý bậc thầy Nguyễn Du.
0,5đ
 - Tâm trạng đau buồn, lo lắng trước tương lai mịt mờ: để diễn tả tâm trạng ấy, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình một cách điêu luyện. Cảnh như khơi, như vẽ từng biến thái tinh vi trong tâm hồn Kiều: cánh buồm thấp thoáng xa xa trong buổi chiều tà gợi lên ở nàng một nỗi buồn da diết về quê nhà xa cách. Một cánh hoa trôi man mác giữa dòng nước mênh mông là nỗi buồn về phận hoa trôi bèo dạt lênh đênh vô định của nàng. Nội cỏ rầu rầu giữa chân mây mặt đất một màu xanh mù xa tít tắp là một nỗi bi thương vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ! Và thiên nhiên dữ dội gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng thì lại gợi lên ở nàng tâm trạng hãi hùng, lo sợ trước những tai họa như lúc nào cũng rình rập ập xuống đầu nàng. 
1,0đ
 Đánh giá: 
 - Với bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh diệu, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc, Nguyễn Du đã khắc họa thật rõ nét từng biến thái tâm trạng của nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng làm sáng lên tấm lòng thủy chung, đức hiếu thảo rất đáng được trân trọng của nàng.
 - Đoạn thơ thể hiện tài năng nghệ thuật đặc sắc, đồng thời thể hiện tấm lòng xót thương của Nguyễn Du đối với kiếp người bạc mệnh.
0,5đ
Kết bài
Khái quát vấn đề; nêu suy nghĩ của bản thân.
0,5đ
MỘT SỐ BÀI LÀM THAM KHẢO
. Đề 1: Truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp?
 	Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, nhứng sáng tác của Ông hầu hết viết về đề tài nông thôn và người nông dân, tiêu biểu là TP: “Làng” được sáng tác vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, in trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Câu chuyện đã đề cập đến những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu kháng chiến chống Pháp đó là tình yêu làng quê thống nhất với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến được tác giả thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động qua nhân vật ông Hai.
 Bối cảnh của truyện là những năm đầu kháng chiến. Theo lệnh của ủy ban xã, ông Hai cùng dân làng phải đi tản cư để tránh những trận càn lớn của giặc. Xa làng, ông nhớ cảnh, nhớ người, muốn về thăm nhà. Một hôm ra phố huyện, nghe đám người mới ở dưới xuôi lên bảo rằng dân làng Chợ Dầu theo giặc làm Việt gian, ông buồn lắm. Nhưng rồi ông băn khoăn ngẫm nghĩ, biết đâu chỉ là một sự nhầm lẫn nào đó ? Kiểm điểm lại từng người trong óc, ông thấy ai cũng căm thù và quyết chiến với giặc. Trong lúc ông Hai đang day dứt, khổ sở thì bà chủ nhà lại muốn đuổi đi, không cho ở nhờ nữa vì gia đình ông là dân làng Chợ Dầu “phản động”. Ông Hai càng buồn tủi và xấu hổ. Bây giờ về làng là theo giặc, ở lại thì không được. Trong lúc ông Hai dường như tuyệt vọng thì chủ tịch làng Chợ Dầu lên tận nơi tản cư cải chính và thông báo tin chiến thắng của quân dân làng Chợ Dầu. Ông Hai vui lắm, đi đâu cũng kể về làng Chợ Dầu, tưởng như chính mình vừa cùng dân làng đánh giặc.
  Tình yêu làng như một thứ tình cảm máu thịt đã ăn sâu bén rễ trong ông Hai .Mọi niềm vui, nỗi buồn khổ của ông gắn liền với vận mệnh làng Chợ Dầu quê mình. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cuộc sống của gia đình ông Hai có nhiều thay đổi: Cả làng phải đi tản cư. Ở nơi tản cư, ông Hai buồn và nhớ làng da diết, ông luôn theo dõi tin tức về làng, ông vui khi làng lập chiến công, vui đến nỗi “ruột gan ông lão cứ múa cả lên”
 	Nhưng tác giả đặt nhân vật vào một tình huống gay cấn để từ đó miêu tả những chuyển biến mới trong tình cảm của ông Hai. Đó là cái tin làng Chợ Dầu theo giặc mà chính ông nghe được từ miệng những người mới tản cư dưới xuôi lên.
 	Khi nghe cái tin đột ngột ấy, ông Hai đau đớn, sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Lúc đã trấn tĩnh được phần nào, ông vẫn ngờ ngợ, nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt, lại khẳng định vừa ở dưới ấy lên, khiến ông không thể không tin.
 	Ông cảm thấy đau đớn vì làng Chợ Dầu yêu quý của ông đã rời bỏ kháng chiến. Tủi nhục và xấu hổ, ông Hai không dám nhìn ai chỉ “cúi gằm mặt xuống mà đi”, ông trở về nhà trong tâm trạng chán chường. Suốt mấy ngày liền, ông không đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người ta để ý, bàn tán về dân làng Chợ Dầu theo giặc. Có lúc uất quá, ông nắm chặt tay, nghiến răng nguyền rủa: “Chúng bay ăn miếng cơm hay ăn miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước đề nhục nhã thế này”.
 	Tác giả đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông Hai trước cái tin làng mình theo giặc.
 	Ồng lão yêu làng tha thiết nhưng lại vô cùng căm uất khi nghe tin dân làng theo giặc. Hai tình cảm tưởng chừng mâu thuẫn ấy đã dẫn đến một sự xung đột nội tâm dữ dội. Ông Hai dứt khoát lựa chọn theo cách của ông: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Đây là một nét mới trong tình cảm của người nông dân trong thời kì đánh Pháp. Tình cảm yêu nước rộng lớn hơn đã bao trùm lên tình cảm đối với làng quê. Dù đã xác định như thế, nhưng ông Hai vẫn không thể dứt bỏ tình yêu đối với quê hương; vì thế mà ông càng xót xa, cay đắng.
 	Ông Hai càng bị đẩy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà nơi tản cư muốn đuổi gia đình ông đi. Đi đâu bây giờ? Không ai muốn chứa chấp dân của cái làng Việt gian, cũng không thể quay về vì về làng tức là chịu quay về làm nô lệ cho Tây. Mâu thuẫn trong tình thế và trong nội tâm nhân vật dường như đã tới đỉnh điểm, đòi hỏi phải được giải quyết. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, ông Hai oán giận làng mình. Không thể san sẻ với người ngoài, ông chỉ còn biết tâm sự với đứa con nhỏ cho vơi nỗi đau.
 	Qua những lời tâm sự với đứa con nhỏ, thực chất là tự nhủ với mình, tự giãi bày nỗi lòng mình, ta thấy rõ ở ông Hai tình yêu sâu nặng với cái làng Chợ Dầu của ông. Ông muốn đứa con nhỏ ghi nhớ câu Nhà ta ở làng Chợ Dầu, thủy chung với kháng chiến, với cách mạng, với Cụ Hồ. Tình cảm ấy thật bền vững và thiêng liêng.
 	Nhưng rồi nỗi đau khổ, nhục nhã đã được thay thế bằng niềm vui sướng, hân hoan. Ông Hai vội vã thông báo với mọi người cái tin làng ông bị giặc phá, nhà ông bị giặc đốt: Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em là Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là “sai sự mục đích” cả!
 	Ông Hai mừng rỡ vì dân làng Chợ Dầu vẫn trung thành với kháng chiến. Làng Chợ Dầu vẫn xứng đáng với niềm tự hào của ông. Không nén nổi cảm xúc, ông Hai múa tay lên mà khoe. Nỗi khổ, niềm vui của ông Hai không bó hẹp trong phạm vi của bản thân và gia đình mà tất cả đều gắn liền với làng Chợ Dầu xứ Kinh Bắc.
 	Càng yêu quê hương tha thiết bao nhiêu, ông Hai càng yêu nước nồng nàn bấy nhiêu. Ông hòa niềm vui thắng trận với làng quê khi đánh thắng giặc: Ông kể lại hôm Tây vào khủng bố. Chúng nó có bao thằng, bao nhiêu Tây, bao nhiêu Việt gian, đi những đường nào, đốt phá những đâu đâu và dân quân, tự vệ làng ông bố trí, cầm cự ra sao, rành rọt, tỉ mỉ, như chính ông lão vừa dự trận đánh giặc ấy xong thật
 	Qua truyện ngắn Làng của Kim Lân, chúng ta thấy tình cảm của người nông dân thể hiện qua hai khía cạnh: tình yêu và căm thù. Dù yêu hay ghét, tình cảm của người nông dân đều rõ ràng, dứt khoát.
Thành công trong truyện Làng là ở cách xây dựng tâm lí, hành động, ngôn ngữ nhân vật. Cốt truyện đơn giản, sức nặng lại dồn cả vào mạch diễn biến tâm trạng, vào lời thoại của nhân vật nên câu chuyện có sức hấp dẫn riêng, ấn tượng riêng, độc đáo. Trong số rất nhiều những nhân vật nông dân khác, người đọc khó có thể quên một ông Hai yêu làng quê, yêu đất nước, thuỷ chung với kháng chiến, với sự nghiệp chung của dân tộc. Một ông hai sốt sắng nghe tin tức chính trị, một ông Hai tủi nhục, đau đớn khi nghe tin làng mình theo giặc, một ông Hai vui mừng như trẻ thơ khi biết tin làng mình không theo giặc
 	Mỗi người dân Việt Nam đều yêu thương, gắn bó với quê hương mình bởi đó là nơi tổ tiên, ông cha đã sinh cơ lập nghiệp bao đời; là nơi chôn nhau cắt rốn; nơi có những người thân yêu đang cần cù làm lụng một nắng hai sương. Vì vậy, lòng yêu mến làng quê đã trở thành tình cảm truyền thống của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người nông dân Việt Nam. Yêu làng cũng là yêu nước. Ông Hai đã buồn vui, sướng khổ, đã kiêu hãnh, tự hào về làng Chợ Dầu quê hương ông. Đó chính là vẻ đẹp mới trong tâm hồn người nông dân thời kháng chiến chống Pháp đã được nhà văn Kim Lân khám phá và thể hiện rất thành công. 
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
2. Phân tích truyện ngắn: “ Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long
1- Giới 

Tài liệu đính kèm:

  • docgiáo án dạy on thi THPT-2014- 2015.doc