Bài dự thi tấm gương đạo đức nhà giáo

A. LỜI NÓI ĐẦU

 Trong những năm gần đây, giáo dục là đề tài nóng của xã hội mà đâu đâu, ai ai cũng bàn tán, tranh luận xôn xao. Có ý kiến cho rằng giáo dục nước nhà chưa đáp ứng được với thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới; Chương trình, nội dung giáo dục nặng nề chưa phù hợp.; lương giáo viên ba cọc ba đồng không đủ để trang trải cuộc sống nên có người vừa dạy vừa buôn bán thêm. Có người coi dạy trên lớp là phụ, dạy thêm mới là chính làm cho cái "văn hóa trong giáo dục" xuống cấp khi quan hệ thầy trò lấy đồng tiền làm thước đo.

 Có lẽ, những ý kiến đó mới chỉ nói lên một phần sự thật. Vì vẫn còn rất nhiều nhà giáo tận tâm, tận tụy với nghề, đang ngày đêm ươm mầm xanh cho đất nước trong khi cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn thiếu thốn.

 Không đâu xa, trên địa bàn tôi sinh sống - Cát Minh, Phù Cát, Bình Định có thầy Trương Việt Linh, người đã có nhiều năm tận tụy với nghề, sống giản dị, gần gũi và hết lòng thương yêu học sinh, một tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo. Để tấm gương sáng của thầy được lan tỏa đến mọi người và trao niềm tin, thêm yêu thương cho những người đã, đang và sẽ chọn nghề trồng người bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Tôi muốn đem đến cuộc thi viết về tấm gương đạo đức nhà giáo do Công đoàn Ngành Giáo dục tổ chức, bài dự thi "thầy Trương Việt Linh - Người thầy mẫu mực, giản dị, tận tụy với nghề, tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo".

Ngoài lời nói đầu, nội dung bài thi, tôi xin gửi kèm một số hình ảnh về hoạt động của thầy, những bài thơ thầy đã dịch để minh chứng cho bài dự thi.

 

doc 23 trang Người đăng hanhnguyen.nt Lượt xem 748Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Bài dự thi tấm gương đạo đức nhà giáo", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
s
SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT NGÔ LÊ TÂN
BÀI DỰ THI
TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO
Thầy Trương Việt Linh - Người thầy mẫu mực, 
giản dị, tận tụy với nghề, tấm gương sáng về 
tinh thần tự học và sáng tạo
	Giáo viên: Nguyễn Văn Quy
	Đơn vị công tác: Trường THPT Ngô Lê Tân
Phù Cát, tháng 09 năm 2017
BÀI DỰ THI
A. LỜI NÓI ĐẦU
B. NỘI DUNG DỰ THI
C. PHỤ LỤC
A. LỜI NÓI ĐẦU
	Trong những năm gần đây, giáo dục là đề tài nóng của xã hội mà đâu đâu, ai ai cũng bàn tán, tranh luận xôn xao. Có ý kiến cho rằng giáo dục nước nhà chưa đáp ứng được với thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới; Chương trình, nội dung giáo dục nặng nề chưa phù hợp...; lương giáo viên ba cọc ba đồng không đủ để trang trải cuộc sống nên có người vừa dạy vừa buôn bán thêm. Có người coi dạy trên lớp là phụ, dạy thêm mới là chính làm cho cái "văn hóa trong giáo dục" xuống cấp khi quan hệ thầy trò lấy đồng tiền làm thước đo. 
	Có lẽ, những ý kiến đó mới chỉ nói lên một phần sự thật. Vì vẫn còn rất nhiều nhà giáo tận tâm, tận tụy với nghề, đang ngày đêm ươm mầm xanh cho đất nước trong khi cuộc sống còn đầy rẫy những khó khăn thiếu thốn.
	Không đâu xa, trên địa bàn tôi sinh sống - Cát Minh, Phù Cát, Bình Định có thầy Trương Việt Linh, người đã có nhiều năm tận tụy với nghề, sống giản dị, gần gũi và hết lòng thương yêu học sinh, một tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo. Để tấm gương sáng của thầy được lan tỏa đến mọi người và trao niềm tin, thêm yêu thương cho những người đã, đang và sẽ chọn nghề trồng người bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Tôi muốn đem đến cuộc thi viết về tấm gương đạo đức nhà giáo do Công đoàn Ngành Giáo dục tổ chức, bài dự thi "thầy Trương Việt Linh - Người thầy mẫu mực, giản dị, tận tụy với nghề, tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo". 
Ngoài lời nói đầu, nội dung bài thi, tôi xin gửi kèm một số hình ảnh về hoạt động của thầy, những bài thơ thầy đã dịch để minh chứng cho bài dự thi.
	 Thiết nghĩ, đây là cuộc thi bổ ích để cho học sinh, xã hội biết đến những người đang làm "... nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo,... " nhằm mang lại lợi ích cho xã hội. Cuối cùng tôi xin chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.
	Xin chân thành cảm ơn! 
B. THẦY GIÁO TRƯƠNG VIỆT LINH - NGƯỜI THẦY MẪU MỰC, GIẢN DỊ, TẬN TỤY VỚI NGHỀ, TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ TINH THẦN TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO
	Tôi đến nhà thầy vào một buổi chiều mùa thu, khi ánh nắng đã khuất sau rặng dừa. Không gian trầm lắng, tiếng lá đu đưa xào xạc chen lẫn với tiếng người chào hỏi sau một ngày lao động mệt nhọc trở về làm cho buổi chiều thêm ấm áp tình người. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, bao quanh là đầm, đìa hiện ra đầy vẻ mộc mạc, giản dị, gần gũi, thanh tao của một gia đình tri thức. Ở vùng quê nghèo, vợ chồng chỉ sống bằng đồng lương, tích cóp cả đời cũng chỉ đủ lo cho con ăn học, dựng vợ gả chồng nên nhà cửa đơn sơ cũng là điều dễ hiểu. Vào nhà, thầy lịch sự pha trà mời tôi uống nước. Mặc dù là đồng nghiệp với nhau, nhưng tôi chỉ bằng tuổi con thầy, lại sinh ra và lớn lên ở Bắc Miền Trung, dạy khác trường nên tôi biết về thầy rất ít. Bưng ly trà mời tôi, thầy hỏi: "Thầy Quy đến nhà thầy có việc hay đi đến nhà người quen chơi rồi tiện đường nghé qua?” Tôi chưa nghĩ ra câu trả lời, vì nếu tôi nói ra mục đích của mình thì chưa chắc thầy đồng ý cung cấp thông tin cho tôi, thông qua đồng nghiệp tôi được biết thầy không thích ai ca ngợi hay tâng bốc mình. Tính thầy vốn giản dị, tìm niềm vui trong công việc chuyên môn và làm những việc có ích cho đời. Bưng ly trà nóng trên tay tôi nói lảng ra chuyện khác, chuyện của những người gặp nhau trong "sự nghiệp trồng người" nhưng có điều khác nhau về thời điểm trước đây và bây giờ. Bằng tình cảm chân thành, tôi lân la hỏi chuyện về quãng đời nghề nghiệp mà thầy đã trải qua. 
	Hớp một ngụm trà, mắt thầy như hướng về thời xa xưa, với chất giọng trầm ấm, cách kể chuyện logic của giáo viên dạy toán, thầy đã đưa tôi về thời hào hùng của dân tộc, về thời đất nước đầy rẫy khó khăn sau ngày giải phóng. 
	Thầy sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo đầy nắng, gió và cát, cuộc sống trăm bề thiếu thốn. Tuổi thơ của thầy cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khi tiếng cười vui chưa tròn trên vành môi mà thay vào đó là tiếng đạn bom gầm rú, tiếng la khóc thảm thiết. Cảnh đốt phá, đánh đập, bắt bớ, chết chóc luôn diễn ra trước mắt. Là giáo viên dạy môn Lịch sử, tôi hiểu về sự hy sinh, mất mát lớn lao của quân và dân Nam Vĩ tuyến 17 trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 - 1975). Đó là nguyên nhân làm cho bao người hy sinh, bao gia đình ly tán, bao mảnh đời "sống không ra sống". Thời buổi chiến tranh, để học được cái chữ là cả một vấn đề vì vừa học vừa lo tránh bom đạn; sách vở, đồ dùng học tập thiếu thốn. Hoàn thành chương trình Tiểu học ở địa phương, thầy học bậc Trung học ở thị trấn. Thời gian học Trường Trung hoc Giuse Phù Cát thầy là một trong những học sinh được nhiều người biết đến. Năm học 1972 - 1973, thầy học Trường Cường Để rồi sau đó là sinh viên Trường Sư phạm Quy Nhơn .
	Sau hai năm học, thầy tốt nghiệp trở về địa phương thực hiện niềm đam mê của mình. Năm học đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thật thiếu thốn trăm bề; trường không ra trường, lớp không ra lớp, học trò thì đủ các lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau tạo nên những khó khăn, thách thức cho giáo viên trẻ mới vào nghề. Là người thấu hiểu những mất mát lớn lao của quê hương, đất nước, những thiệt thòi của học sinh trong vùng bị chiến tranh nên thầy ân cần chỉ bảo các em, giúp đỡ các em từng li từng tí để các em được trưởng thành mai này giúp ích cho đất nước.
	Với sự miệt mài dạy dỗ, sống vui vẻ, hòa đồng cùng đồng nghiệp, đặc biệt luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu nên thầy đã được hội đồng sư phạm nhà trường tin tưởng, cấp trên tín nhiệm bầu làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cát Minh. Vừa dạy học, vừa quản lý, lo công việc gia đình trong thời buổi khó khăn là một gánh nặng nhưng thầy đã từng bước vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó. Nói về thời bao cấp, chắc hẳn ai cũng biết, đó là thời kỳ đất nước gặp muôn vàn khó khăn, tình trạng “lạm phát phi mã”. Vợ chồng thầy làm giáo viên, các con còn nhỏ, để thầy toàn tâm toàn ý trong công việc, cô đến lớp rồi về nhà chăm lo gia đình, tăng gia, sản xuất thêm góp phần cải thiện cuộc sống để vợ chồng yên tâm công tác. Khắc phục những khó khăn trước mắt, thầy đăng ký học hàm thụ Đại học để nâng cao chuyên môn, chuẩn hóa bằng cấp. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, năm 1993 Trường THCS Cát Minh sáp nhập vào trường cấp III (Trường THPT số 2 Phù Cát), thầy được cấp trên đề bạt làm Hiệu phó nhưng thầy một mực từ chối vì muốn giành toàn bộ thời gian cho công tác chuyên môn, cho học sinh thân yêu. Trong 40 năm làm quản lý và giảng dạy, có lúc nhập trường rồi lại tách trường, có những thời điểm hết sức khó khăn về kinh tế, cũng có thời điểm cuộc sống dễ chịu hơn - thời kỳ đất nước đổi mới nhưng cuộc sống của gia đình thầy cũng chẳng khá giả là bao. Mặc dù, thầy dạy toán, cô dạy văn có thể dạy thêm tăng thu nhập, nhưng thầy không chọn cách đó để làm giàu, dù thầy có chuyên môn vững, từng bồi dưỡng học sinh giỏi và có học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Thầy cho rằng, để học sinh đạt kết quả cao trong học tập bản thân các em phải miệt mài, chịu khó, phải giành nhiều thời gian học bài cũ, xem trước bài mới. Việc học thêm chỉ bổ ích khi các em chưa hiểu rõ một vấn đề nào đó mà cần có sự giúp đỡ của thầy, khi đó thầy và trò cùng giải quyết vấn đề thì mới tạo hứng thú trong học tập, mới đạt kết quả cao được. 	
	Trong suốt thời gian công tác cũng như khi về hưu, thương học trò vùng quê nghèo khó thầy đã tổ chức dạy bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh yếu. Mỗi tuần vài buổi, thầy giảng giải cặn kẽ những kiến thức mà các em còn hổng hay chưa nắm vững để theo kịp với bạn bè trong lớp. Ngày qua ngày, thầy cứ âm thầm lặng lẽ gieo mầm xanh cho đời mà không đòi hỏi gì ở các em. Về hưu, có người chọn sự nhàn hạ để vui vầy bên con cháu, còn thầy vừa giúp đỡ các em học sinh yếu ở trong xóm, vừa tự học chữ Hán, chữ Nôm tìm niềm vui trong những bài thơ cổ. Với niềm đam mê, lao động nghiêm túc, chỉ trong một thời gian thầy đã dịch được khoảng 2900 bài thơ chữ Hán, trong đó gồm thơ Đường, Tống và thơ Việt Nam thời kỳ Trung - Cận đại. Những bài thơ thầy dịch đã đưa lên mạng Internet, địa chỉ www.thivien.net trở nên quen thuộc với những người yêu thơ văn cổ. Đã có hai quyển sách "Nguyễn Trãi thơ và đời", "Nguyễn Du thơ và đời" của Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành, trong đó tuyển chọn nhiều bản dịch của thầy. Đối với thầy như thế là vui, là đủ. Nhìn vào các tập thơ để trên bàn, đọc những bản dịch của thầy, tôi cảm nhận cuộc đời thầy giản dị, gần gũi mà thanh tao.
	Mải chuyện trò với thầy trời tối lúc nào tôi không biết, hướng mắt về phía trước, điện đường sáng lung linh tôi hỏi, "Xã mình đang thực hiện xây dựng nông thôn mới, để có con đường bê tông trước nhà, gia đình thầy đóng góp bao nhiêu ?” Thầy ngần ngại không trả lời, cô ở dưới nhà mang phích nước lên và nói: "Gia đình thầy cô đóng góp gần bốn mươi triệu đồng đó em". Tôi hỏi lại, "Sao nhiều thế hả cô"? Thầy nhẹ nhàng nói, thầy cô cũng chẳng dư giả gì, thực hiện chủ trương của Nhà nước với lại đây là việc làm cần thiết mà em. Say sưa chuyện trò với thầy tôi quên cả thời gian, nhìn đồng hồ đã điểm đến 20 giờ tôi đứng lên xin phép thầy ra về. Trước khi chào thầy ra về, tôi nói! Sắp đến kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, em sẽ viết một bài về thầy, gửi đến cuộc thi do Công đoàn Ngành Giáo dục tổ chức. Vừa nói tôi vừa bước chân ra ngõ, tiễn tôi về thầy nói! "Đừng nha em, thầy cũng chỉ là người bình thường, mờ nhạt thôi chẳng đóng góp bao nhiêu cho sự nghiệp giáo dục, cho xã hội. Thầy chọn cho mình cái nghề để sống, ai cũng có đam mê làm công việc mà mình yêu thích, thầy cũng như bao người khác, thế thôi. Còn để ca ngợi, tôn vinh thầy không dám nhận”.
	Chuyện trò với thầy, đêm về tôi cứ suy nghĩ mãi. Cũng là giáo viên nhưng mình thực sự nhỏ bé trước thầy. Một người mà ở thời buổi khó khăn nhất, vẫn gắn bó với nghề, không bon chen, sẵn sàng từ bỏ chức vụ để dành thời gian cho chuyên môn và làm công việc mà mình yêu thích. Dù ở cương vị nào, thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong xã hội, thầy là công dân gương mẫu, trong gia đình thầy là người cha, người chồng mẫu mực, nuôi dạy các con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn. Cuộc sống của thầy thanh đạm, nhẹ nhàng mang tâm thức của người xưa như những bài thơ thầy đã dịch, nhưng có lẽ không phải ai cũng làm được như thế .
Đời chỉ xem như giấc mộng thừa
Tỉnh ra muôn sự thảy là mơ
Ta nay chỉ thích trong rừng thẳm
Nhà ở bên hoa đọc sách xưa
	 (Dịch "Ngẫu thành" (II) - Nguyễn Trãi)
Hay
..........................................................
Muôn duyên khôn bận, thành ngăn tục
Nửa điểm nào lo, mắt mở toang
Phải trái như nhau tường nghĩa ấy
Cung ma, nước Phật cũng y chang
	 (Dịch "Diên hựu tự" - Huyền Quang)
 	Cũng chính vì lẽ đó mà khi nói về thầy các đồng nghiệp đều có cùng ý kiến. Thầy Trương Việt Linh - Người thầy mẫu mực, tận tụy với nghề, tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo. Còn tôi thì nhớ mãi câu nói của thầy. Ai cũng chọn cho mình cái nghề để sống, điều quan trọng là có tận tụy với nghề, yêu nghề hay chưa.
C. PHỤ LỤC
TỦ SÁCH VÀ TRANG THƠ CỦA THẦY
CON ĐƯỜNG BÊ TÔNG, THẦY ĐÃ ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG
THẦY GIÁO TRƯƠNG VIỆT LINH
TỔ ẤM CỦA THẦY
TRƯỜNG THCS CÁT MINH
(NƠI THẦY CÔNG TÁC)
NHỮNG BÀI THƠ THẦY ĐÃ DỊCH
QUANG CẢNH TRƯỚC NHÀ THẦY
QUANG CẢNH SÂN VƯỜN NHÀ THẦY
DỊCH THƠ NGUYỄN TRÃI
Ngẫu thành (II) 偶成 • Ngẫu nhiên làm (II)
偶成
世上黃梁一夢餘, 
覺來萬事總成虛。 
如今只愛山中住, 
結屋花邊讀舊書。
 	Ngẫu thành (II)
Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư, 
Giác lai vạn sự tổng thành hư. 
Như kim chỉ ái sơn trung trú, 
Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
Dịch nghĩa
Đời là kết quả của một giấc mộng kê vàng 
Tỉnh ra mới biết vạn sự đều hóa thành không cả 
Như nay ta chỉ thích ở chốn núi non 
Làm nhà bên hoa mà đọc sách xưa.
 Bản dịch của Lê Cao Phan
Cuộc đời chi khác mộng nồi kê 
Muôn sự hoàn không đã rõ bề 
Nay chỉ thích vào non ở ẩn 
Bên hoa đọc sách, mái lều che.
Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh
Cuộc đời một giấc mộng kê thôi, 
Tỉnh lại muôn vàn thảy hão rồi. 
Hiện chỉ ưa vào trong núi ở, 
Lều tranh đọc sách cạnh hoa chơi.
Bản dịch của Trương Việt Linh
Đời chỉ xem như giấc mộng thừa, 
Tỉnh ra muôn sự thảy là mơ. 
Ta nay chỉ thích trong rừng thẳm, 
Nhà ở bên hoa đọc sách xưa.
DỊCH THƠ HUYỀN QUANG
Diên Hựu tự 延祐寺 • Chùa Diên Hựu
延祐寺
上方秋夜一鐘闌, 
月色如波楓樹丹。 
鴟吻倒眠方鏡冷, 
塔光雙峙玉尖寒。 
萬緣不擾城遮俗, 
半點無憂眼放寬。 
參透是非平等相, 
魔宮佛國好生觀。
Diên Hựu tự
Thượng phương du dạ nhất chung lan, 
Nguyệt sắc như ba phong thụ đan. 
Si vẫn đảo miên phương kính lãng, 
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn. 
Vạn duyên bất nhiễu thành già tục, 
Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan. 
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng, 
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.
Dịch nghĩa
Đêm thu, trên chùa một tiếng chuông đã tàn, 
Ánh trăng như sóng, cây phong lá đỏ. 
Bóng "xi vẫn" nằm ngủ ngược dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá, 
Hai ngọn tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt. 
Muôn vàn nhân duyên không vương vấn là bức thành che niềm tục, 
Không lo lắng chút gì nên tầm mắt mở rộng. 
Hiểu thấu ý nghĩa của thuyết phải trái đều như nhau, 
Thì xem cung ma có khác gì nước Phật!
Bản dịch của Huệ Chi
Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn, 
Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan. 
In ngược hình chim, gương nước lạnh, 
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiêu hàn. 
Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục, 
Một mảy nào lo: rộng nhãn quan. 
Thấu hiểu thị phi đều thế cả, 
Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn.
Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng vicar
Đêm thu trên gác rớt tiếng chuông 
Cây phong lá đỏ sóng trăng buông 
Cú ngủ đảo hình gương nước lạnh 
Ngọc tháp song song ngọn buốt sương 
Vạn duyên không vướng, ngăn niềm tục 
Tầm nhìn mở rộng chẳng lo buồn 
Hiểu thấu thị phi như nhau cả 
Ma cung Phật quốc có gì hơn.
Bản dịch của Trương Việt Linh
Đêm thu chùa điểm tiếng chuông vang 
Lá đỏ hàng phong sóng nguyệt vàng 
Bóng tháp sẫm đôi tay ngọc buốt 
Hình chim in ngược mảnh gương hàn 
Muôn duyên khôn bận, thành ngăn tục 
Nửa điểm nào lo, mắt mở toang 
Phải trái như nhau tường nghĩa ấy 
Cung ma, nước Phật cũng y chang
DỊCH THƠ HỒ CHÍ MINH
Báo tiệp 報捷 • Tin thắng trận
報捷
月推窗問詩成未, 
軍務仍忙未做詩。 
山樓鐘響驚秋夢, 
正是連區報捷時。
Báo tiệp
Nguyệt thôi song vấn: - Thi thành vị? 
- Quân vụ nhưng mang vị tố thi. 
Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng, 
Chính thị Liên khu báo tiệp thì.
Dịch nghĩa
Trăng đẩy cửa sổ hỏi: - Thơ xong chưa? 
- Vẫn còn bận việc quân, chưa làm thơ được. 
Bỗng tiếng chuông ở lầu trên núi khua tỉnh giấc mộng đêm thu, 
Vừa hay là lúc có tin thắng trận ở Liên khu báo về.
Bản dịch của Huy Cận
Trăng vào cửa sổ đòi thơ, 
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau, 
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu, 
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.
Bản dịch của Trương Việt Linh
Trăng vào cửa sổ hỏi thơ đâu 
Việc nước chưa xong khất lại sau 
Lầu núi chuông thu khuây mộng sớm 
Tin mừng thắng trận tự liên khu
Tư chiến sĩ 思戰士 • Nhớ chiến sĩ
思戰士
更深露急如秋雨, 
晨早霜濃似海雲。 
快送寒衫給戰士, 
陽光和暖豹新春。
Tư chiến sĩ
Canh thâm lộ cấp như thu vũ, 
Thần tảo sương nùng tự hải vân. 
Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ, 
Dương quang hoà noãn báo tân xuân.
Dịch nghĩa
Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu, 
Sáng sớm, sương dày đặc như mây mặt biển. 
Mau mau gửi áo rét cho chiến sĩ, 
Ánh mặt trời ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về.
Bản dịch của Sóng Hồng
Đêm khuya móc tựa mưa thu 
Sớm sương dày đặc mây mù biển giăng 
Mau mau gửi các chiến trường 
Áo cho chiến sĩ trên đường lập công 
Mặt trời toả sáng nắng hồng 
Báo tin xuân đến mùa đông sắp tàn.
Bản dịch của Trương Việt Linh
Canh khuya móc đổ mưa thu nhẹ 
Sáng sớm sương dày mây biển giăng 
Mau gởi áo hàn cho chiến sĩ 
Nắng hồng ấm áp báo tin xuân
Thất cửu 七九 • Sáu mươi ba tuổi
七九
人未五旬常嘆老, 
我今七九正康強。 
自供清淡精神爽, 
做事從容日月長。
Thất cửu
Nhân vị ngũ tuần thường thán lão, 
Ngã kim thất cửu chính khang cường. 
Tự cung thanh đạm tinh thần sảng, 
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường.
Dịch nghĩa
Thường người ta chưa đến năm mươi tuổi đã tự than già, 
Mình nay sáu mươi ba tuổi vẫn đang khoẻ mạnh. 
Sống cách thanh đạm tinh thần sáng suốt, 
Làm việc thong dong, ngày tháng dài.
 Bản dịch của Xuân Thuỷ
Chưa năm mươi đã kêu già, 
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai. 
Sống quen thanh đạm nhẹ người, 
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.
Bản dịch của Trần Thanh Cần
Già chi cái tuổi mới năm mươi 
Đây nghĩ sáu ba vẫn trẻ người, 
ở tuổi xuân niên thanh, nhã, việc 
sống quen tối, sáng cứ vui cười
Bản dịch của Trương Việt Linh
Người chửa năm mươi đã trối già 
Trẻ trung mình mới sáu mươi ba 
Uống ăn thanh đạm lòng khoan khoái 
Ngày tháng ung dung chẳng bận ta
Đối nguyệt 對月 • Đối trăng
對月
窗外月明籠古樹, 
月移樹影到窗前。 
軍機國計商談了, 
攜枕窗旁對月眠。
Đối nguyệt
Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ, 
Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền, 
Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu, 
Huề chẩm song bàng đối nguyệt miên.
Dịch nghĩa
Ngoài cửa sổ ánh trăng lồng trên cây cổ thụ, 
Ánh trăng nhích dần bóng cổ thụ lại trước cửa sổ. 
Việc quân, việc nước bàn bạc xong rồi, 
Xách gối đến bên cửa sổ, nằm ngủ trước ánh trăng.
 Bản dịch của Nam Trân
Ngoài song, trăng rọi cây sân, 
Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song. 
Việc quân, việc nước bàn xong, 
Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm.
Bản dịch của Trương Việt Linh
Trăng sáng ngoài song lồng cổ thụ 
Bóng cây trăng rọi tỏ bên thềm 
Việc quân việc nước xong bàn luận 
Tựa gối bên song ngủ dưới trăng

Tài liệu đính kèm:

  • docTHẦY GIÁO TRƯƠNG VIỆT LINH - NGƯỜI THẦY MẪU MỰC, GIẢN DỊ, TẬN TỤY VỚI NGHỀ, TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ TINH T.doc