Giáo án Lịch sử 12 - Bài 18: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1950)

A. Mục tiêu bài học

I. Về kiến thức

Giúp học sinh:

- Hiểu được hoàn cảnh nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp (19/12/1946) và những nét chính của đường lối kháng chiến chống Pháp.

- Biết được những diễn biến chính của cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 và ý nghĩa, tác dụng của cuộc chiến đấu đó với cuộc kháng chiến.

- Biết được những việc làm cụ thể của ta để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

II. Về thái độ, tư tưởng, tình cảm

- Giáo dục lòng căm thù thực dân Pháp.

- Học tập tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập cho Tổ quốc.

- Củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

docx 9 trang Người đăng trung218 Lượt xem 8979Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Lịch sử 12 - Bài 18: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 - 1950)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 18: Tiết 1
NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC 
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946-1950)
Mục tiêu bài học
Về kiến thức
Giúp học sinh:
Hiểu được hoàn cảnh nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp (19/12/1946) và những nét chính của đường lối kháng chiến chống Pháp.
Biết được những diễn biến chính của cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 và ý nghĩa, tác dụng của cuộc chiến đấu đó với cuộc kháng chiến.
Biết được những việc làm cụ thể của ta để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Về thái độ, tư tưởng, tình cảm
Giáo dục lòng căm thù thực dân Pháp.
Học tập tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập cho Tổ quốc.
Củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về kĩ năng
Củng cố kĩ năng phân tích, đánh giá các sự kiện để rút ra những nhận định lịch sử.
Rèn luyện kĩ năng sử dụng tranh, ảnh để nhận thức lịch sử.
Thiết bị, tài liệu dạy học
Ảnh: “Quyết tử quân” Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng Pháp; Bom ba càng; Nhân dân phố Mai Hắc Đế dùng giường, tủ dựng chiến lũy
Clip: Cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội trong những tháng đầu kháng chiến chống Pháp.
Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=qMdEseiqd_0 (từ 2 phút 27 đến 3 phút 36).
Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh.
Tiến trình tổ chức hoạt động dạy-học (45 phút)
Ổn định lớp (1 phút): Nắm sĩ số lớp học.
Kiểm tra bài cũ (5 phút)
Câu 1: Hãy nêu những kết quả chủ yếu đạt được trong việc giải quyết những khó khăn của đất nước ta sau Cách mạng tháng Tám. Ý nghĩa của những kết quả đó là gì?
Câu 2: Vì sao Đảng và Chính phủ ta quyết định hòa hoãn với Pháp? Ý nghĩa của việc ta hòa hoãn với Pháp là gì?
Giảng bài mới (39 phút)
Dẫn nhập vào bài mới (1 phút)
Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, Pháp đã trắng trợn xé bỏ Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946), đẩy nhân dân Việt Nam đứng trước hai con đường: hoặc là cầm vũ khí đứng lên kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc; hoặc là cúi đầu làm nô lệ cho Pháp. Trước tình hình đó, ta đã chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Vậy nội dung chính của Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng là gì và cuộc chiến đấu của quân dân ta trong những tháng đầu kháng chiến toàn quốc chống Pháp xâm lược đã diễn ra như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài học ngày hôm nay, bài 18: NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946-1950).
Tiến trình tổ chức hoạt động dạy-học (36 phút)
Thời gian
Hoạt động của giáo viên và học sinh
Kiến thức cơ bản
8 phút
Hoạt động 1: Cá nhân, cả lớp 
Giáo viên dẫn dắt: Sau khi kí Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, ta đã nghiêm chỉnh thực hiện việc ngừng bắn ở miền Bắc, thả một số tù binh, trao trả viện Paxtơ ở Hà Nội cho Pháp. Nhưng Pháp tìm mọi cách không thực hiện và phá hoại nội dung hiệp định đã kí.
Giáo viên yêu cầu học sinh theo dõi sách giáo khoa, trả lời câu hỏi: Những hành động nào chứng tỏ Pháp không nghiêm hỉnh thi hành hiệp định?
Học sinh theo dõi sách giáo khoa, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, bổ sung.
Giáo viên nêu câu hỏi: Tại sao Pháp lại có những hành động trên?
Giáo viên nhận xét, chốt ý: Bởi mục đích cuối cùng của Pháp vẫn là xâm lược nước ta một lần nữa, biến nước ta trở thành nô lệ của Pháp.
Giáo viên hỏi học sinh: Tính chất của cuộc chiến tranh Việt-Pháp là gì?
Học sinh suy nghĩ, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, chốt ý: 
Nhân dân ta đánh thực dân Pháp để giành tự do, độc lập, để tự vệ, tự giải phóng, cho nên cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ. 
Trái lại, thực dân Pháp muốn quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, hòng áp bức, bóc lột nhân dân ta, cho nên chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh phản động.
Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ
Thực dân Pháp bội ước và tiến công nước ta
Sau Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9 Pháp vẫn tấn công ta ở Nam bộ, mặt khác tăng cường khiêu khích ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn, nhất là ở Hà Nội tháng 12/1946.
Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát thủ đô cho Pháp, nếu không sáng ngày 20/12/1946 chúng sẽ nổ súng.
" Nền độc lập, chủ quyền của nước ta bị đe dọa nghiêm trọng.
13 phút
Hoạt động 2: Cá nhân, cả lớp
Giáo viên đặt câu hỏi: Trước những hành động bội ước của Pháp, Đảng và Chính phủ ta đã có chủ trương gì?
Học sinh theo dõi sách giáo khoa và trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, bổ sung.
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc đoạn chữ nhỏ trong sách giáo khoa trang 131 để hiểu rõ hơn về nội dung của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Giáo viên trình bày thêm cho học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: 
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, làm cho cả nước đứng lên với một ý chí “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Giáo viên hỏi học sinh: Tại sao cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ vào ngày 19/12/1946 mà không phải là trước hay sau đó?
Học sinh suy nghĩ, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, chốt ý: 
Nếu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ trước ngày 19/12/1946, lúc này Pháp chưa lộ rõ bộ mặt bội ước. Do đó, Pháp sẽ nói rằng chúng ta bội ước trước và nghiễm nhiên có cớ để thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần hai. 
Nếu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ sau ngày 19/12/1946, Pháp sẽ nổ súng trước chúng ta, lúc đó sẽ gây thương vong nhiều hơn cho cả quân và dân ta, mặt khác ta cũng rơi vào tình thế bị động. Chính vì thế cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ vào ngày 19/12/1946 mà không phải là trước hay sau đó.
Giáo viên hỏi học sinh: Em có nhận xét gì về quyết định của Đảng và Chính phủ ta trong tình hình này?
Học sinh suy nghĩ, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, chốt ý: Đó là sự lựa chọn đúng đắn và kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cũng như yêu cầu của cách mạng Việt Nam. Sự lựa chọn đó cũng xuất phát từ những điều kiện tiến hành đấu tranh chính trị-ngoại giao với Pháp không còn nữa.
Giáo viên hỏi học sinh: Đường lối kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của Đảng được thể hiện trong những tài liệu nào?
Học sinh theo dõi sách giáo khoa, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, bổ sung, nêu nội dung chủ yếu của Đường lối kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của Đảng được thể hiện trong những tài liệu: 
Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã trở thành những văn kiện lịch sử quan trọng về đường lối kháng chiến, nêu rõ tính chất, mục đích, nội dung và phương châm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Hoạt động 3: Nhóm, cả lớp
Để tìm hiểu những nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng, giáo viên chia 2 dãy lớp thành 2 nhóm:
+ Nhóm 1: Như thế nào là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện? Vì sao ta phải thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện?
+ Nhóm 2: Như thế nào là cuộc kháng chiến trường kì, tự lực cánh sinh? Vì sao ta phải thực hiện cuộc kháng chiến trường kì, tự lực cánh sinh?
Mỗi nhóm có 3 phút thảo luận, trong quá trình làm việc, 2 nhóm có thể chia tiếp thành nhóm nhỏ (theo bàn) trao đổi và đi đến thống nhất chung.
Học sinh thảo luận nhóm, suy nghĩ, sau đó đại diện từng nhóm trả lời, học sinh khác bổ sung.
Giáo viên nhận xét, chốt ý.
Giáo viên hỏi học sinh: Tính chất chính nghĩa và tính nhân dân của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng đã được thể hiện như thế nào?
Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh về nhà tìm hiểu, sẽ trả lời trong tiết sau.
Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng
Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong cả nước.
Đêm ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ.
Đường lối kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của Đảng:
Được thể hiện trong các văn kiện: Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban thường vụ Trung ương Đảng (12/12/1946), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946) và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh (9/1947).
Đường lối kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp của Đảng là: Toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
13 phút
Hoạt động 4: Cá nhân, cả lớp
Giáo viên nêu câu hỏi: Vì sao Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ trương tiến hành cuộc chiến đấu trước tiên ở Thủ đô Hà Nội và các đô thị ở phía Bắc vĩ tuyến 16?
Học sinh suy nghĩ, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, chốt ý.
Giáo viên cho học sinh quan sát bảng so sánh tương quan lực lượng của ta và địch khi bắt đầu cuộc chiến:
Lực lượng chủ lực
Vũ khí
Quân Pháp
6.500 quân
Đầy đủ, hiện đại:
5000 súng trường.
42 đại bác.
22 xe tăng.
40 xe bọc thép. 
30 máy bay và một số tàu chiến trên sông.
Quân ta
2.561 quân
Thiếu thốn, thô sơ:
1516 súng trường.
 3 trung liên, 1 đại liên, 1 badoca 60mm.
1000 quả lựu đạn, 80 quả bom ba càng.
7 khẩu pháo cao xạ.
Giáo viên hỏi học sinh: Em có nhận xét gì qua bảng so sánh tương quan lực lượng của ta và địch khi bắt đầu cuộc chiến?
Học sinh quan sát và nêu nhận xét.
Giáo viên nhận xét, chốt ý: Tương quan lực lượng giữa ta và Pháp rất chênh lệch, lực lượng của Pháp hơn khoảng 2,5 lần so với lực lượng của ta. Trong khi đó, vũ khí của Pháp được trang bị đầy đủ, hiện đại, vũ khí của ta thiếu thốn và thô sơ.
Giáo viên tường thuật lại cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội trong những tháng đầu chống Pháp cho học sinh.
Giáo viên yêu cầu học sinh: Em hãy kể một vài mẩu chuyện chiến đấu của quân và dân Hà Nội mà các em biết (trong tiết trước giáo viên đã yêu cầu các em về nhà sưu tầm, tìm hiểu).
Học sinh dựa vào phần chuẩn bị ở nhà, kể một vài mẩu chuyện các em biết về cuộc chiến đấu của quân, dân Hà Nội.
Giáo viên nhận xét.
Giáo viên cho học sinh xem một đoạn clip ngắn về cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội trong những tháng đầu kháng chiến chống Pháp. Giáo viên yêu cầu học sinh chú ý theo dõi, sau đó trả lời câu hỏi: Em có nhận xét gì về không khí và tinh thần chiến đấu của quân và dân ta?
Học sinh chú ý theo dõi đoạn clip, suy nghĩ, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, chốt ý: Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã anh dũng đứng lên chống Pháp, giữ từng căn nhà, góc phố.
Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình 47 trang 132 sách giáo khoa-“Quyết tử quân” Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng Pháp, sau đó hỏi học sinh: Em biết gì về bức ảnh lịch sử này? Quan sát bức ảnh em có nhận xét gì về tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Hà Nội ôm bom ba càng đánh xe tăng Pháp?
Học sinh dựa vào việc chuẩn bị ở nhà, trả lời câu hỏi
Giáo viên nhận xét, bổ sung: Bức ảnh phản ánh một hiện thực lịch sử sinh động về các chiến sĩ “quyết tử quân” Hà Nội, trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược trong những tháng ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên mai sau học tập.
Giáo viên trình bày: Trong 60 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã chiến đấu gần 200 trận, giết và làm bị thương hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới, 5 máy bay
Giáo viên trình bày tiếp: 
Cùng với Thủ đô Hà Nội, quân dân ta ở các đô thị khác ở phía Bắc vĩ tuyến 16 đã đứng lên chiến đấu, tiến công, tiêu diệt nhiều tên địch, mở đầu kháng chiến toàn quốc chống Pháp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng
Giáo viên yêu cầu học sinh theo dõi sách giáo khoa, trả lời câu hỏi: Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã có tác dụng gì?
Học sinh theo dõi sách giáo khoa, trả lời câu hỏi.
Giáo viên nhận xét, chốt ý.
Giáo viên trình bày tiếp: 
Phối hợp với cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16, quân dân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, chặn đánh địch trên các tuyến giao thông, phá cơ sở hậu cần của địch.
II. Cuộc chiến đấu ở 
 các đô thị và việc 
 chuẩn bị cho 
 cuộc kháng chiến
 lâu dài
Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16
Cuộc chiến đấu trước tiên diễn ra ở các đô thị: Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng,
Kết quả: Sau hai tháng chiến đấu kiên cường và tiêu hao nhiều sinh lực địch, ngày 17/2/1947, quân ta rút khỏi vòng vây của địch, lên căn cứ Việt Bắc chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài với Pháp.
Tác dụng: Giữ được chân địch ở các đô thị để cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta rút lên căn cứ Việt Bắc an toàn. Chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp bước đầu bị phá sản.
2 phút
Giáo viên trình bày:
Sau khi rút khỏi Hà Nội, cơ quan đầu não kháng chiến đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn, các phương tiện phục vụ cho nhu cầu kháng chiến lâu dài được vận chuyển ra căn cứ.
Đảng, Chính phủ lãnh đạo và tổ chức nhân dân cả nước xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt.
Giáo viên treo bảng phụ và trình bày để học sinh biết công tác xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt của Đảng và Chính phủ ta trong thời gian này:
Lĩnh vực
Nội dung
Chính trị
Các Ủy ban kháng chiến hành chính, thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.
Thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam.
Kinh tế
Duy trì, phát triển sản xuất.
Quân sự
Mọi công dân từ 18 đến 45 tuổi được tuyển chọn tham gia các lực lượng chiến đấu.
Văn hóa
Tiếp tục thực hiện phong trào bình dân học vụ.
Tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài (đọc thêm)
Củng cố kiến thức, dặn dò học sinh (2 phút)
Củng cố kiến thức
Giáo viên củng cố kiến thức bằng các câu hỏi:
+ Vì sao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ? Nội dung chính của đường lối kháng chiến của Đảng là gì?
+ Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã có tác dụng như thế nào?
Dặn dò
Học bài và trả lời câu hỏi: Tính chất chính nghĩa và tính nhân dân của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng đã được thể hiện như thế nào?
Đọc trước phần III và phần IV bài 18.
Rút kinh nghiệm
Thời gian dành cho toàn bài và từng hoạt động: 	
Nội dung: 	
Phương pháp: 	
Sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học: 	

Tài liệu đính kèm:

  • docxBai_18_Nhung_nam_dau_cua_cuoc_khang_chien_toan_quoc_chong_thuc_dan_Phap_1946_1950.docx